098 816 96 38

Ăn mì tôm có bị nóng trong người?

9/21/2018 9:37:37 AM

Ăn mì tôm nóng, nổi mụn… đó là rất nhiều lời nhận xét của người tiêu dùng “đổ tội” cho mì tôm. Thực tế, theo các chuyên gia dinh dưỡng, bất cứ thực phẩm nào nếu ăn không đúng cách đều gây nóng trong người chứ không riêng gì mì ăn liền.

Nóng trong người do đâu?

Chị Hoàng Thị Minh – 23 tuổi, Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội cho biết mình là tín đồ của các món chiên, rán, xào và thức ăn nhanh. Vài tháng trở lại đây, chị rất hay bị mất ngủ vì trong người cứ thấy bứt rứt, khó chịu về đêm. Lúc lấy nhiệt kế đo thì nhiệt độ cơ thể bình thường nhưng không hiểu sao sờ vào da thì thấy nóng ran lên và còn khô ráp nữa.

Ngoài ra, chị Minh còn bị nổi từng đám mụn ở khắp vùng sau lưng và bắp đùi. Chị Minh đi kiểm tra sức khoẻ, bác sĩ cho biết chị bị nóng, nổi mụn một phần do cơ địa, phần khác có thể do ăn uống chưa đúng cách nên khuyên ăn các thực phẩm mát bổ.

Giống chị Minh, nhiều người cũng bị rơi vào trường hợp nóng, nổi mụn nhưng không đi khám mà mặc định cho rằng do ăn phải thực phẩm gây nóng. Vậy câu hỏi đặt ra, nóng trong người do đâu, có phải do ăn uống, thực phẩm hay không?

 

Cách ăn uống thiếu hợp lý, ăn quá nhiều thực phẩm chiên rán, thức ăn nhanh… có thể gây nên tình trạng nóng trong người

 

Theo PGS.TS Lê Bạch Mai – Nguyên phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khi ăn nhiều thực phẩm giàu đạm, chất bột đường, chất béo, chúng ta dễ có cảm giác bị nóng trong không chỉ là do bản thân các thực phẩm này chứa nhiều năng lượng mà còn do cơ thể phải sử dụng năng lượng để chuyển hóa các thức ăn này. Ngoài ra, lượng nước cần cho quá trình chuyển hóa các chất sinh năng lượng trong cơ thể bị thiếu hụt cũng gây ra tình trạng khát nước, nóng trong.

PGS.TS Lê Bạch Mai cũng cho biết thêm, bất kỳ 1 loại thực phẩm riêng lẻ nào nếu sử dụng thường xuyên mà không kết hợp với các thực phẩm khác thì sẽ không đảm bảo tính đa dạng của bữa ăn, dễ dẫn đến thiếu hụt các chất dinh dưỡng làm cơ thể mệt mỏi, táo bón, thiếu nước gây cảm giác “nóng trong người và nổi mụn”. Chính vì thế các chất dinh dưỡng (protein, glucid, lipid, vitamin, chất khoáng) được cung cấp vào cơ thể nên điều chỉnh cho vừa đủ và phù hợp với nhu cầu của từng người, giúp đảm bảo cho các hoạt động và chuyển hóa hàng ngày…

Các thực phẩm nếu chỉ dùng riêng lẻ sẽ dễ gây thiếu chất và ảnh hưởng không tốt lên sức khỏe người dùng

Do đó, cần sử dụng thực phẩm đúng cách (kết hợp với nhiều loại thực phẩm khác nhau) để đảm bảo có bữa ăn tốt, đa dạng, đủ và cân đối về dinh dưỡng, giúp cho các quá trình chuyển hóa trong cơ thể được xảy ra bình thường và không gây tích tụ các chất cặn bã.

Liên quan tới vấn đề nóng, nổi mụn còn phải nói tới tính cá thể, nghĩa là tùy vào cơ địa, thể trạng của mỗi người – bác sĩ Mai cho biết. Nếu xuất phát từ nguyên nhân này thì người bệnh cần tới thăm khám, trao đổi với bác sĩ chuyên khoa để có tư vấn, điều trị hợp lý.

Mì tôm có nóng không?

Theo PGS.TS Mai, không có loại thực phẩm nào là thực phẩm nóng nếu chúng ta biết cách tạo ra 1 bữa ăn đa dạng, mì tôm cũng thế. Nếu một người chỉ ăn 3 bữa mì tôm mỗi ngày mà không có rau xanh, không có quả chín, không thêm các thức ăn giàu đạm như thịt, tôm, trứng… thì sẽ dễ gây táo bón, nóng trong người, nhiệt miệng, mệt mỏi do thiếu chất dinh dưỡng... Tương tự, nếu một ngày bạn chỉ ăn mỗi cơm, không kèm thực phẩm nào khác thì cũng không tránh khỏi cảm giác nóng, bực bội trong người.

PGS.TS Mai cho biết thêm, vắt mì ăn liền với nguyên liệu chính là bột mì nên thuộc nhóm ngũ cốc cùng với gạo, bún, miến, bánh phở…, cung cấp chất bột đường là chủ yếu. Mì ăn liền có vai trò cung cấp năng lượng (trung bình 350kcal cho 1 gói mì ăn liền 75g), trong đó năng lượng từ protein (chất đạm) là 28 Kcal, từ lipid (chất béo) 117 Kcal và từ carbohydrate (chất bột đường) 205 Kcal. Vì là một thực phẩm cơ bản nên mì ăn liền hoàn toàn có thể kết hợp cùng các loại thực phẩm khác (thịt, trứng, hải sản, rau xanh…) nhằm tạo nên bữa ăn hoàn chỉnh có đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng.

Mì tôm không phải nguyên nhân gây nóng trong người, quan trọng là người dùng cần biết phối hợp thực phẩm để tạo nên bữa ăn cân đối và dinh dưỡng

PGS.TS Mai cũng nhấn mạnh, khi sử dụng thực phẩm, người tiêu dùng nên điều chỉnh sở thích ăn uống của mình từng bước thích hợp với tình trạng sức khỏe, từng bệnh lý khác nhau kết hợp với cách chế biến phù hợp để bữa ăn thực sự là nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể, góp phần phòng tránh bệnh tật. Ví dụ người bị tăng huyết áp, ăn mì tôm vẫn được nhưng khi ăn bổ sung thêm rau xanh, thêm thực phẩm giàu protein như thịt bò, tôm, trứng… và không nên ăn thường xuyên. Hay với một người trưởng thành, một tô mì chế nước sôi vẫn có thể thay thế một bữa ăn nếu không có thời gian, tuy nhiên những bữa khác trong ngày cần cân đối lại bằng cách ăn uống đa dạng.

Có thể khẳng định rằng, không có thực phẩm xấu, chỉ có bữa ăn xấu. Mì ăn liền không phải là một thực phẩm xấu, không phải là nguyên nhân gây nóng như nhiều người vẫn nghĩ. Điều quan trọng là mỗi người cần biết cách lựa chọn và sử dụng cho phù hợp, phối hợp với các loại thực phẩm khác để “bữa ăn mì gói” đảm bảo tính đa dạng và đủ dinh dưỡng cho cơ thể mỗi ngày.

Theo Dantri

 


Bạn vui lòng điền đầy đủ thông tin vào các ô dưới đây
Ăn mì tôm có bị nóng trong người?

TIN LIÊN QUAN